Đạt tự nhận mình không giỏi tiếng Anh, phần lớn thành công anh có được là nhờ học và áp dụng "chiến lược" học thi, "chiến lược" làm bài đúng đắn.
Chọn sách cho IELTS
Đạt cho biết bản thân đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm bài từ việc chọn được những cuốn sách phù hợp:
- Peter May (2004), “IELTS - Practice Test”: Cuốn sách này khá phù hợp với những người mới bắt đầu làm quen với IELTS từ mốc chưa biết gì. Những bạn đã từng làm đề thi thử nhưng còn chưa thạo hết các chiến lược làm bài thi cần thiết cũng có thể sử dụng cuốn sách này để hỗ trợ.
“Cuốn này gồm có bốn đề luyện khá sát với đề thi thật. Mình đánh giá cao cuốn này là vì bên cạnh mỗi mục nhỏ trong đề luyện, người đọc còn được cung cấp những phương pháp làm bài chi tiết cho từng dạng, với nhiều mẹo và chiến lược thi rất hiệu quả”, Đạt cho biết.
- IELTS (2009), “Official IELTS Practice Material 1 & 2”: Bên cạnh bộ đề thi thử chín cuốn của Cambridge, đây là bộ đề thi thử mà Đạt tin tưởng nhất vì là đề từ nguồn của các cơ quan giám sát IELTS thật và được họ phê chuẩn nên có độ khó tương đương đề thi thật.
- Vanessa Jakeman (2007), “Action Plan for IELTS”: Cuốn sách này rất phù hợp cho tất cả bạn đang ôn thi cấp tốc. Nó giải thích cực kỳ chi tiết, hệ thống và rất dễ hiểu về các yêu cầu của từng mục trong kỳ thi IELTS, kỹ đến từng dạng bài một; những chiến lược quan trọng cần nhớ; và nhiều lưu ý hữu ích cho các thí sinh sắp thi lần đầu.
Đạt cũng giới thiệu nhiều trang web miễn phí giúp các thí sinh cải thiện cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
- Ielts.org: Trang này có các bài thi mẫu, dù phải công nhận là khá ít nhưng độ tin cậy khá cao vì đây là một trang chính thống. Nó cũng giải thích về các dạng câu hỏi có thể gặp phải trong bài thi IELTS một cách chi tiết và hữu ích.
Các bạn nên đọc kỹ phần giải thích về những tiêu chuẩn được chú ý ở từng phần trong bài thi IELTS (ví dụ, trong bài thi nói là sự trôi chảy, khả năng sử dụng các từ liên kết; vốn ngữ pháp; cách phát âm...). Nếu bạn đang nhắm tới một mốc điểm cụ thể (ví dụ 8.0) hãy xem kỹ phần 8.0 yêu cầu những gì và cố gắng để làm thật tốt chúng.
- Dcielts.com: “Đây là một trong những trang mình đã sử dụng rất hữu hiệu vào tháng cuối cùng trước ngày thi. Dù điểm Writing của mình không cao (7.5), nhưng nếu không có sự giúp đỡ từ dcielts chưa chắc mình đã lên tới được mốc đó”, Đạt chia sẻ.
- Ielts-blog.com: Trang này có điểm mạnh là cung cấp nhiều mẹo ngắn gọn, thực tế và dễ áp dụng cho kỳ thi IELTS. Ngoài ra cộng đồng ở trang này thường xuyên thực hiện những bài phỏng vấn, chia sẻ kinh nghiệm với các thí sinh IELTS điểm cao.
Thi nói chứ không phải học thuộc lòng
Đạt kể đã từng đọc được một bài chia sẻ về phần thi nói của các thí sinh từ một giám khảo chấm thi IELTS. Cô cho biết trong quá trình thi, nhiều thí sinh cảm thấy giám khảo tỏ vẻ không thân thiện hoặc không muốn giúp đỡ thí sinh. Điều này thật ra là bởi khi được đặt câu hỏi, các thí sinh cố gắng đưa ra những câu trả lời mà họ học thuộc lòng.
Việc chuẩn bị từ trước hoặc học thuộc lòng các "bài diễn văn" như thế này là hoàn toàn không được phép trong bài thi nói. Đây là một bài kiểm tra kỹ năng nói chứ không phải để kiểm tra khả năng ghi nhớ. Việc "học tủ” này sẽ tạo ra một phần thi nói rất không thoải mái và không thể nào trôi chảy một cách tự nhiên được.
“Trong thực tế, các bạn đã cố ý che giấu trình độ nói thực tế của mình. Nhưng công việc của giám khảo là "ép" được ra khả năng nói thực sự của bạn và đánh giá chúng. Mỗi lần giám khảo nghe thấy một câu trả lời được chuẩn bị trước, họ sẽ ngay lập tức dừng thí sinh lại và thay đổi chủ đề cũng như câu hỏi. Họ sẽ không cho điểm những bài "diễn văn" mà các thí sinh đã chuẩn bị trước này”, Đạt giải thích.
Nhớ từ vựng một cách hiệu quả
Đạt đặt ra cho mình nguyên tắc trong lúc tự học IELTS là kiên trì tra cứu đến cùng ngọn nguồn thắc mắc. Bất cứ thắc mắc nào, ví dụ như cách phân biệt giữa hai giới từ hay bị nhầm lẫn, hoặc sự khác biệt giữa những dạng câu khác nhau, anh đều cố gắng tra cứu đến cùng.
“Cũng khá may mắn cho mình là cộng đồng học tiếng Anh trên thế giới quả thực rất đông, và những thắc mắc của mình vẫn được họ hỏi thường xuyên trên các diễn đàn và các nhóm học tiếng Anh trên Internet.
Chỉ cần kiên trì và năng đi ra đi vô mấy chỗ này thì bạn sẽ có câu trả lời cho hầu hết các câu hỏi. Cũng có những lúc mình phải hỏi đến những người quen. Không biết họ thấy mình hỏi nhiều có ngại khôn, nhưng mình thì "mặt dày" cũng quen rồi”, Đạt cười kể lại.
Điều thứ hai là Đạt luôn cố gắng hết sức để phủ tiếng Anh lên môi trường sống của mình. “Mình đổi hết giao diện máy tính, điện thoại và thiết bị điện tử trong phòng sang tiếng Anh. Đọc báo thì mình chọn đọc những trang báo mạng có phần dịch bài từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Mình cũng hay xem các vlog của người nước ngoài trên YouTube, dù là để giải trí cũng ép bản thân phải giải trí bằng tiếng Anh”, Đạt nói.
Anh cũng luyện nói bằng cách ghi âm hoặc quay phim tự nói chuyện về những thứ trong cuộc sống hằng ngày tiếng Anh. “Mình xem đây như một dạng nhật ký bằng audio/video, cho dù ghi âm ghi hình xong mình thấy xấu hổ quá lại xóa hết đi. Mình cũng buộc bản thân phải suy nghĩ trong đầu bằng tiếng Anh nữa, dù là câu cú chưa gãy gọn và rất mệt nhưng mình vẫn cố”.
Phần lớn sách Đạt đọc những năm gần đây là sách viết bằng tiếng Anh, vì anh ưu tiên mục tiêu tăng vốn từ vựng. Khi đọc sách, anh ghi lại những từ mới sổ, bao gồm định nghĩa của từ đó (chép nguyên xi từ từ điển vào), câu có chứa từ mới đó...
“Với mình đây là bước quan trọng nhất. Thay vì chép lại ví dụ trong từ điển, mình chép lại câu trong sách, trong bài báo, bài blog… mà mình đã “nhặt” ra. Đọc ví dụ quen thuộc như vậy giúp mình dễ dàng hơn rất nhiều khi ôn tập lại sau này”, Đạt nói.
Tạo liên kết từ vựng, theo Đạt, cũng là một cách hay để nhớ từ lâu hơn. Đây có thể hiểu là phương pháp học từ vựng bằng cách kết nối từ mới cần học với các từ khác, các hình ảnh khác, để giúp “ghim” từ mới vào cùng một chỗ với những thứ dễ học hoặc đã biết kia.
“Với những từ có ý nghĩa trừu tượng, bạn nên vẽ minh họa để dễ nhớ hơn. Hình vẽ càng lố bịch càng giúp bạn nhớ từ lâu hơn đó. Nhớ chia ra ba cột: từ, định nghĩa và chỗ trống để vẽ hình minh họa”, Đạt chia sẻ.
TÙNG LAM
Học tiếng Anh giỏi: khởi đầu từ việc đọc
TTO - Thay vì đến các trung tâm Anh ngữ ôn luyện vất vả, chàng trai 9X Võ Duy Kha đã chọn cho mình một cách học tiếng Anh vô cùng hiệu quả: tự đọc, tự học và thực hành mọi lúc mọi nơi.
Tiếng Anh là quá trình học hỏi mỗi ngày
Hai năm liên tiếp, thi chứng chỉ IELTS Kha đều đạt số điểm rất cao, 8.5/9.0. Anh đã khiến nhiều người nể phục vì tinh thần tự học và niềm đam mê mãnh liệt với ngôn ngữ này.
Nhiều người học tiếng Anh do "hoàn cảnh bắt buộc", như đi du học, định cư nước ngoài, yêu người ngoại quốc… Nhưng với Kha, tiếng Anh là cả đam mê. Niềm đam mê ấy khởi đầu từ những tiết học vui nhộn của cô giáo tiếng Anh khi Kha học cấp II.
"Lúc ấy tôi thật sự mong muốn sau này lớn lên sẽ truyền được cảm hứng học tiếng Anh cho người khác như chính cách cô đã truyền cho tôi", anh nhớ lại.
Đối với Kha, học tiếng Anh không phải là ngồi vào bàn ghi chép và học thuộc, mà là thực hành mọi lúc mọi nơi. Thời sinh viên, Kha "thực hành" bằng cách cứ một tuần hai lần, anh lại đến 'phố Tây' mua một chai bia và đi “cụng” với những người nước ngoài ở đó để tìm cơ hội trò chuyện với họ.
“Thời gian đầu tôi nói chuyện rất ngập ngừng nhưng khoảng 1-2 tháng sau, tôi tiến bộ rất nhanh chóng. Tôi nhận thấy người nước ngoài rất khuyến khích sự ham học hỏi của người Việt. Khi họ nghe tôi nói chưa tốt, chưa chuẩn, họ sẽ chủ động điều chỉnh tốc độ nói để tạo cảm giác thoải mái nhất cho tôi.
Lúc đầu, tôi thấy khó khăn, thiếu tự tin, nhưng sau khi thử và làm được, tôi thấy mình cũng đâu đến nỗi tệ và bắt đầu muốn thử thêm. Cứ như vậy, dần dà tôi có thêm những mối quan hệ bạn bè với người ngoại quốc và vẫn giữ liên lạc cho đến tận bây giờ”, Kha kể.
Lúc học cấp III, Kha tham gia vào đội tuyển thi HSG tiếng Anh của trường. Nhưng anh có "bệ phóng" vững vàng và nhanh hơn các bạn đồng trang lứa là nhờ mỗi ngày đều luyện tập kỹ năng đọc.
“Tôi cũng không ngờ việc đọc lại giúp mình nhiều đến như vậy. Tôi bắt đầu đọc những bài viết thú vị như: tại sao hiện tượng ngáp có tính lây lan, tại sao mình bị FA, một số bài viết về thiên văn, vật lí… Mặc dù biết là khó nhưng càng đọc tôi lại càng mê.
Tôi tìm mọi cách để hiểu được những bài viết ấy. Kết quả chỉ trong vòng ba năm học THPT, tôi đã tích lũy được một lượng kiến thức khủng lồ chỉ nhờ việc đọc. Ban đầu, tôi tìm đọc các tài liệu trong thư viện trường. Sau này tôi tìm kiếm nguồn tài liệu trên mạng.
Đặc điểm của các nguồn tài liệu trên mạng là từ một tài liệu này nó sẽ có các đường link dẫn đến tài liệu khác nên tôi lại được bổ sung rất nhiều kiến thức, đặc biệt là những kiến thức về xã hội mà mình yêu thích”, Kha chia sẻ.
"Bí quyết" học tiếng Anh của Kha: - Học vào những giờ mình tỉnh táo nhất. - Học 20 phút nghỉ 5 phút. - Minh họa ý nghĩa từ ngữ tiếng Anh bằng các hình vẽ. - Tham gia các khóa học trực tuyến của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới... |
Sẽ mau chán, mau quên nếu học mà không hành
“Hồi xưa, tôi bắt đầu học tiếng Anh bằng cách xem phim youtube hoặc theo dõi những vlogger mà mình thích. Trải qua một quá trình nghe, nhìn và đọc theo như vậy ít nhiều tôi cũng đã có một dữ liệu nhất định “input” vào đầu mình.
Sau này khi luyện tập kỹ năng viết, tự nhiên tôi có một đống từ ngữ “output” sẵn trong bộ nhớ. Vì vậy, theo tôi, học tiếng Anh hiệu quả nhất là xem mình giống như con nít, phải nghe và đọc trước, không thể nói với viết trước”, Kha khẳng định.
Hiện tại, Kha cũng đang áp dụng cách học tiếng Anh đánh vào tâm lí cho các học trò của mình. Anh cho biết: “Tôi để ý thấy đa phần học trò nữ thích xem các video clip về trang điểm. Thế là tôi cũng lên xem, chú ý cách họ nói và diễn đạt. Nếu thấy câu nào hay hay, tôi lấy ra làm ví dụ cho học trò nghe thử.
Tôi cũng sẵn sàng viết bài về các hiện tượng đang hot trên mạng để tạo bất ngờ trong lớp học. Tôi cho rằng tiếng Anh chỉ là chiếc cầu nối để hiểu được những điều mình thích mà thôi”.
Kha cũng chỉ ra vài cách học tiếng Anh mà theo anh là sai lầm: “Có những người học bằng cách ghi rất nhiều ra giấy, tuy nhiên cách học này chỉ hiệu quả trong vòng 2-3 tuần đầu. Nếu học mà không hành thì sẽ rất nhanh chán và nhanh quên.
Tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy, tôi khuyên họ nên mua một quyển sách về speaking, sau đó tìm hiểu về một chủ đề rồi học thuộc ý nghĩa của 5-10 từ mà họ cảm thấy thú vị. Vài ngày sau, họ có thể ra các con phố hoặc công viên có nhiều người ngước ngoài và dùng những từ ngữ đó để thực hành trò chuyện ngay. Nếu các từ ngữ ấy được sử dụng liên tục trong 2-3 tuần thì hiệu quả ghi nhớ đạt được sẽ rất cao.
Bên cạnh đó cũng có không ít người quan niệm rằng học tiếng Anh là phải “quăng” mình vào môi trường có tiếng Anh, nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, mình chỉ cần được tiếp xúc với tiếng Anh thường xuyên chứ không cần nhúng mình vào đó. Bằng chứng là đã có rất nhiều người giỏi tiếng Anh trước khi đi du học hoặc không cần đi du học".
Võ Duy Kha sinh năm 1993, hiện đang giảng dạy tại các lớp học do chính anh thành lập. Anh đạt được những thành tích đáng nể: Huy chương vàng Olympic Tiếng Anh 30-4 khi còn học THPT; Giải ba Monash Writing Challenge 2012; Giải nhất Hùng biện Yola năm 2014; Huy chương vàng toàn miền Nam học bổng Amcharm của Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ năm 2014; Đạt điểm thi chứng chỉ IELTS 8.5/9.0 năm 2015-2017; Đạt chứng chỉ giảng dạy TKT (Teaching Knowledge Test), CELTA của Đại học Cambridge (Anh) năm 2015... Hiện tại, Kha vẫn không ngừng học tập và rèn luyện kỹ năng tiếng Anh mỗi ngày. Ngoài ra mỗi tuần anh đều dành vài tiếng đồng hồ để nói chuyện trực tiếp qua mạng với những người bạn nước ngoài của mình... |
NGỌC BIỂN