Báo NY Times, Asia Times: Việt Nam tăng trưởng kinh tế ấn tượng
16.10.2020 21:38
Dân trí
Thúc đẩy thương mại, đầu tư và xuất khẩu, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong giai đoạn khó khăn, Việt Nam có thể coi là "phép màu" châu Á trong thời đại mới.
Nhấn để phóng to ảnh
Việt Nam được đánh giá có những bước tăng trưởng ấn tượng. (Ảnh minh họa: Getty)
Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, Việt Nam đã nhanh chóng huy động các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch như truy vết tiếp xúc, đẩy mạnh tuyên truyền.
Việc nhanh chóng kiểm soát dịch giúp Việt Nam sớm mở cửa kinh tế trở lại và được dự đoán trên đà trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong năm nay. Trong khi nhiều nước rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế mạnh và cần đến cứu trợ tài chính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam được dự báo đạt tăng trưởng GDP 3% trong năm nay. Thặng dư thương mại được dự báo đạt kỷ lục bất chấp những gián đoạn của thương mại toàn cầu do Covid-19.
New York Times dẫn nhận định của ông Ruchir Sharma, chuyên gia chiến lược tại Công ty quản lý đầu tư của Morgan Stanley, cho rằng rất lâu rồi thế giới mới có một đột phá như thế này. Sau Thế chiến II, các "phép màu châu Á - đầu tiên là Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc - đã đưa nền kinh tế khởi sắc bằng cách mở cửa thương mại, đầu tư và trở thành cường quốc sản xuất hàng xuất khẩu.
Giờ đây, Việt Nam cũng đi theo con đường tương tự nhưng trong một thời đại hoàn toàn khác khi mà những điều kiện làm nên “phép màu châu Á” trước kia có thể không còn nữa. Thời đại bùng nổ dân số, thời đại toàn cầu hóa nhanh chóng đã qua. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Trong giai đoạn bùng nổ, các nước được coi là “phép màu đầu tiên của châu Á” đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm xấp xỉ 20%. Việt Nam duy trì tốc độ tương tự suốt 3 thập niên. Thậm chí khi thương mại toàn cầu suy giảm vào những năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 16%/năm, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế mới nổi.
Trong khi các nền kinh tế mới nổi khác phụ thuộc lớn vào phúc lợi xã hội để xoa dịu cử tri, Việt Nam tận dụng các nguồn lực để phục vụ ngành xuất khẩu, xây dựng cầu cảng, đường xá, xây trường học để đào tạo lao động. Chính phủ Việt Nam đầu tư khoảng 8% GDP mỗi năm cho các dự án xây dựng mới. Chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện được đánh giá cao hơn nhiều quốc gia ở giai đoạn phát triển tương đương.
Việt Nam cũng tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong vòng 5 năm trở lại đây, trung bình vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam đạt hơn 6% GDP, cao nhất trong nhóm các nền kinh tế mới nổi. Hầu hết vốn đầu tư này phục vụ xây dựng các nhà máy sản xuất và cơ sở hạ tầng liên quan, và hầu hết đến từ châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Hay nói cách khác, những phép màu cũ đang góp phần tạo ra phép màu mới.
Việt Nam trở thành điểm đến thu hút các nhà sản xuất xuất khẩu khi thị trường Trung Quốc giảm dần sức hấp dẫn. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng 5 lần kể từ cuối những năm 1980 lên gần 3.000 USD/ngày, nhưng giá nhân công vẫn thấp hơn ở Trung Quốc trong khi tay nghề nhân công ngày càng được nâng cao.
Trong bối cảnh nhiều nước tăng cường bảo hộ thương mại, Việt Nam lại ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).
Một câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có duy trì được thành công này trước những thách thức tiềm tàng hay không? "Câu trả lời là có. Suốt 5 năm qua, không quốc gia nào có tăng trưởng xuất khẩu xanh hơn Việt Nam", chuyên gia Ruchir Sharma nhận định.
Minh Phương Theo NYTimes
“Việt Nam là ngôi sao sáng trong nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch”
Áp phích tuyên truyền phòng chống Covid-19 trên đường phố Hà Nội (Ảnh: AFP)
Theo trang tin Asia Times, tương tự các nước láng giềng, nền kinh tế Việt Nam cũng gặp khó khăn sau nhiều tháng chiến đấu với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một ngoại lệ nhờ vào việc ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, với sự tăng trưởng ấn tượng.
Do vậy, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm chứng kiến những tín hiệu tích cực sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trong khi đây là điều khó có thể thực hiện đối với những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Các số liệu đã nói lên tất cả. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 2 năm 2020 khoảng 0,4%. Mặc dù đây là con số thấp nhất của nền kinh tế Việt Nam trong 35 năm qua, nhưng đó cũng là số liệu đáng kể so với các nước láng giềng, khi một số nước thậm chí còn có tăng trưởng âm.
Ngân hàng Thế giới dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,8% trong năm 2020 và sẽ hồi phục về mức 6,7% trong năm tới. Tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings dự đoán Việt Nam sẽ là quốc gia có phát triển cao nhì trong số các nền kinh tế tại châu Á trong năm nay.
Tất cả những số liệu trên cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng để hồi phục trở lại sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Việt Nam sẽ nổi lên nhanh chóng trong giai đoạn sau đại dịch, và trở thành một trong những quốc gia có mức tăng trưởng tốt nhất trong nền kinh tế toàn cầu, như Việt Nam từng như vậy trong một thập niên qua.
Nhờ vào các biện pháp cách ly nghiêm ngặt để kiểm soát sự lây lan của Covid-19 trong suốt nhiều tháng, Việt Nam hiện nay dần trở thành một trong những điểm thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn nhất.
Hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh đã đưa Việt Nam trở thành nơi an toàn cho các doanh nghiệp quốc tế tới làm ăn kinh doanh cả trong và sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo cuộc nghiên cứu do tổ chức Deep Knowledge Group của Hong Kong công bố, Việt Nam là nơi an toàn thứ 9 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lúc dịch bệnh bùng phát.
Gần đây, Việt Nam đã dần nối lại các chuyến bay quốc tế và dỡ bỏ phong tỏa tại các điểm nóng dịch bệnh trước đây. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây nhiễm trước làn sóng Covid-19 tiếp theo. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ nguy cơ này và vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình.
Hơn nữa, nhờ vào những kinh nghiệm quý báu trong việc đối phó với dịch bệnh cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam đã đạt được sự cân bằng hợp lý giữa việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng và tăng trưởng kinh tế. Do vậy, Việt Nam sẽ là một trong số ít những điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm toàn cầu.
Điểm đến hấp dẫn
Giới phân tích cho rằng Việt Nam đã trở thành nước thắng lớn trong bối cảnh khu vực hiện tại. Việt Nam, với các điều kiện thuận lợi, là lựa chọn tốt cho các nước muốn tìm địa điểm để chuyển dịch chuỗi sản xuất.
Chính phủ Nhật Bản đã trợ cấp cho 15 công ty để chuyển nhà máy tới Việt Nam, mở đường cho làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản tại Việt Nam. Theo một báo cáo của Goldman Sachs, nhiều doanh nghiệp Mỹ khi được hỏi về các địa điểm phù hợp nhất để dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam và Ấn Độ là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất.
Mặc dù Việt Nam chưa thể trở thành một công xưởng toàn cầu, nhưng Việt Nam đang có cơ hội chưa từng thấy để trở thành một trung tâm sản xuất, với điều kiện Việt Nam có thể tận dụng các làn sóng đầu tư sắp tới.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19, khi nhiều quốc gia phải đối mặt với suy thoái kinh tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục có những bước đi vững chắc hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngày 8/6, Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 1/8. Đồng thời, Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với hy vọng sẽ ký kết hiệp định thương mại tự do trước năm 2021.
Tất cả những thành tựu này có thể được xem là nổi bật trong tình hình hiện nay, khi các hoạt động kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Việt Nam được dự đoán là sẽ hưởng lợi đáng kể từ các hiệp định thương mại tự do này.
EVFTA sẽ giúp giảm thuế đối với các mặt hàng thủy sản, dệt may và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Đây cũng là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đáng kể. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền kinh tế của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế cạnh tranh hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặc dù bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch Covid-19 như nhiều nền kinh tế khác trong khu vực, song Việt Nam vẫn được khen ngợi vì những gì đã làm được cho đến nay. Việt Nam chắc chắn nằm trong số ít các nước được nhiều hơn mất sau cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Nếu vẫn duy trì được động lực phát triển như hiện tại, Việt Nam sẽ trở thành ngôi sao sáng trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, mở đường cho việc trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đề ra.