Công nhân VN bị bóc lột thời XHCN hơn thời Pháp thuộc
09.11.2023 15:22
Kiệt sức làm thêm không nghỉ đêm ngày cả cuối tuần mỗi ngày 14 giờ vẫn không đủ sống... Khi giá cả leo thang, dù có làm thêm 4 giờ mỗi ngày, công nhân lao động khó có thể bù đắp được chi phí sinh hoạt phải trả.
Làm kiệt sức, lương chỉ gần 9 triệu đồng
Tính đến nay, chị Cao Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1999) làm việc tại Khu công nghiệp Thụy Vân (TP.Việt Trì, Phú Thọ) đã được 3 năm. Lương cơ bản của chị Nhung hiện ở mức 4,2 triệu đồng/tháng; tính thêm các loại phụ cấp, tổng thu nhập khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Nữ công nhân cho biết, số tiền này không thấm tháp vào đâu so với chi phí sinh hoạt hằng tháng.
Tiền thuê trọ, điện, nước… của chị đã mất khoảng 1,1 triệu đồng. Nếu được tăng ca 4 tiếng/ngày, làm 4 ngày chủ nhật liên tục, chị Nhung nhận lương gần 9 triệu đồng/tháng. Theo chị Nhung, chỉ khi nào công ty có việc chị mới được tăng ca nhiều. 3 năm làm công nhân, chỉ có vài tháng chị được tăng ca. Song số tiền lương thu được trong 1 tháng tăng ca đều phải san sẻ cho những tháng khác.
“Tháng nào được tăng ca tôi làm không nghỉ ngày nào, hôm nào cũng đi sớm về khuya; cảm giác bị kiệt sức” - chị Nhung nói.
Dù tăng ca mệt mỏi, chi tiêu tằn tiện nhưng nữ công nhân này vẫn không đủ để xoay xở cuộc sống. Khoảng 1 tháng gần đây, công ty ít việc, chị bị cho nghỉ việc ở nhà với mức lương hỗ trợ là gần 2 triệu đồng.
Chưa lập gia đình nhưng chị Nhung luôn canh cánh nỗi lo phụ giúp cha mẹ ở quê không có công việc làm, thu nhập chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Anh trai cả mắc bệnh hiểm nghèo, không có khả năng lao động. Thu nhập ít ỏi, chị phải chi li từng chút để có tiền gửi về cho mẹ.
72% công nhân không muốn con cái theo nghiệp
Làm công nhân hơn 5 năm, lương cơ bản của anh Phạm Văn Hiếu (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) ở mức 5,3 triệu đồng/tháng. Tính cả phụ cấp, anh nhận 6,4 triệu đồng/tháng; tăng ca nhiều nhận khoảng 9-10 triệu đồng/tháng.
Anh Hiếu chia sẻ, công nhân làm 8 giờ mỗi ngày, thu nhập chỉ từ 6-7 triệu đồng/tháng. Để có thu nhập 10 triệu đồng, anh phải tăng ca 4 giờ mỗi ngày, tổng cộng làm việc 12 tiếng; có những tuần làm thêm cả thứ 7, chủ nhật.
Làm quần quật là vậy, anh Hiếu nói, thu nhập cũng chỉ thêm được 3-3,5 triệu đồng mỗi tháng. Song số tiền từ việc tăng ca cũng không nhằm nhò gì với sự leo thang của giá cả. “Đi đâu, mua gì tôi cũng thấy tăng giá. Công nhân tăng ca thì thu nhập cũng không thể bù đắp được các khoản chi tiêu” - nam công nhân nói.
Trong bối cảnh giá cả đắt đỏ, anh Hiếu cho biết, gia đình phải tính toán cả chuyện ăn uống. “Tôi và vợ ăn uống đơn giản hơn, phần thịt cá nhường cho các con. Về phần xăng xe, với những quãng đường ngắn, tôi và vợ đều chọn đi bộ” - anh Hiếu cho hay.
“Dù có làm thêm 12 tiếng/ngày, cả thứ 7, chủ nhật thì mức lương của tôi cũng chỉ có giới hạn. Do chỉ học hết cấp 2 nên tôi muốn xin việc có thu nhập cao hơn cũng khó. Bây giờ tôi sẽ cho con học hành đến nơi đến chỗ, để sau này có công việc tốt hơn” - anh Hiếu cho biết.
Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) cho thấy, có một nghịch lý khá phổ biến, mặc dù công nhân đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. NLĐ ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60-70 giờ/tháng, như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ... Có lẽ vì làm việc vất vả nhưng lương thấp, nên có tới 72% không muốn con mình sau này theo nghề nghiệp của mình.
Ngoài tiền công, tiền lương, sản xuất kinh doanh... mỗi người đều có khả năng gia tăng thu nhập cho bản thân và gia đình bằng nhiều cách khác nhau. Đa dạng hóa tiền lương cũng là bước quan trọng trong quản lý tài chính thông minh.