Vietnamville http://www.vietnamville.ca

Trung Quốc làm ngư ông đắc lợi, Mỹ tháo chạy trong nhục nhã
19.08.2021

Trung Quốc thật sự hưởng lợi tại Afghanistan sau khi ủng họ đồng minh Taliban

HƯƠNG THẢO17-08-2021 14:45 
Kinhtedothi - Sự tự tin của Bắc Kinh trong việc đối phó với Taliban được thể hiện rõ trên thực tế ở thủ đô Kabul: Khi Mỹ và các đồng minh phương Tây cố gắng sơ tán nhân viên đại sứ quán khỏi Afghanistan, Trung Quốc - cùng với Nga - dường như vẫn bình tĩnh ở lại.  
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 4/2021, đã có nhiều bình luận về cách Trung Quốc có thể nắm bắt thời điểm để lấp đầy khoảng trống mà phương Tây bỏ lại, và mở rộng sự hiện diện cũng như ảnh hưởng của mình ở quốc gia Nam Á.
Những tranh luận như vậy càng trở nên gay gắt sau cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Taliban và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tháng trước, nơi ông Vương khẳng định Taliban "đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa giải và tái thiết hòa bình ở Afghanistan". Phát biểu được cho là một sự thay đổi lập trường rõ ràng của Bắc Kinh.
Khi Taliban lên nắm quyền lãnh đạo Afghanistan lần đầu tiên vào năm 1996, Trung Quốc đã từ chối công nhận quyền cai trị của lực lượng Hồi giáo này và đóng cửa đại sứ quán của mình tại Afghanistan trong nhiều năm. Nhưng lần này, Bắc Kinh là một trong những Chính phủ đầu tiên chấp nhận sự trở lại các chiến binh Hồi giáo.
Hôm 16/8, sau khi các tay súng tiến vào thủ đô Kabul để chiếm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ hy vọng Taliban có thể thực hiện lời hứa của mình để đảm bảo "một quá trình chuyển đổi suôn sẻ", và "kiềm chế tất cả các loại hành động khủng bố và tội phạm"."Tình hình ở Afghanistan đã có những thay đổi lớn, chúng tôi tôn trọng ý chí và sự lựa chọn của người dân Afghanistan", phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16/8.
Sự tự tin của Bắc Kinh trong việc đối phó với Taliban còn được thể hiện rõ trên thực tế ở Kabul: Khi Mỹ và các đồng minh phương Tây cố gắng sơ tán các nhân viên đại sứ quán khỏi Afghanistan, Trung Quốc - cùng với Nga - dường như vẫn bình tĩnh ở lại.
Bloomberg dẫn lời Yun Sun - Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington - nhận định: "20 trước, Trung Quốc không phải là cường quốc toàn cầu và những gì đang xảy ra ở Afghanistan không khiến Trung Quốc bận tâm. Nhưng ngày nay, có quá nhiều nhân tố mới - bao gồm vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, lợi ích kinh tế và việc Trung Quốc tự định hướng mình như một cường quốc toàn cầu".
Trung Quốc ngày nay sở hữu một nền kinh tế trị giá 14,7 nghìn tỷ USD - gấp hơn 17 lần quy mô của nước này vào năm 1996 - cùng một sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng và thương mại khổng lồ trải dài Á - Âu.
Những lo ngại của Bắc Kinh về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trong cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ cũng ngày càng sâu sắc trong những năm gần đây, khiến nước này đã phải bố trí một lực lượng an ninh hùng hậu tại biên giới tiếp giáp với Afghanistan.
Cùng với đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với Mỹ được cho cũng khiến Bắc Kinh phải nắm bắt mọi cơ hội, để chống lại sự thống trị của Washington và đẩy các lực lượng Mỹ ra càng xa biên giới mình càng tốt.
Những lợi ích này khiến Trung Quốc trông giống như một cường quốc tiếp theo mang tham vọng đem lại trật tự cho Afghanistan, giữa bối cảnh Taliban chuẩn bị tuyên bố một "tiểu vương quốc Hồi giáo" ở Kabul.
Tuy nhiên, sau những thất bại của Liên Xô năm 1979 và giờ là Mỹ, mọi cường quốc đều được tin sẽ khó tránh khỏi những sai lầm tương tự tại một quốc gia đầy chia rẽ sắc tộc mang tính đặc thù - được mệnh danh là "nghĩa địa của các đế chế" - như Afghanistan.
Về phần mình, Bắc Kinh đang thể hiện là bên thực dụng hơn - ít can thiệp hơn phương Tây trong khi thúc giục một cuộc đàm phán hòa bình tại Afghanistan. "Trung Quốc hy vọng Taliban tại Afghanistan có thể đoàn kết với các đảng chính trị khác và với tất cả các nhóm dân tộc, xây dựng một khuôn khổ chính trị phù hợp với điều kiện quốc gia bao trùm rộng rãi và đặt nền tảng cho hòa bình lâu dài", bà Hoa Xuân Oánh trả lời báo giới tại Bắc Kinh.
Sự sụp đổ của một Chính phủ quốc gia trị giá 840 tỷ USD, bất kể là do Mỹ hậu thuẫn, buộc Trung Quốc phải đảm bảo các lợi ích kinh tế quan trọng của mình, bao gồm một mỏ đồng và một số lô dầu tại Afghanistan. Theo Bloomberg, Trung Quốc đã sơ tán khoảng 200 doanh nhân khỏi quốc gia láng giềng vào tháng trước.
Sự ổn định của Afghanistan sẽ là chìa khóa để bảo vệ các dự án Vành đai - Con đường trị giá hơn 50 tỷ USD ở nước láng giềng Pakistan, cung cấp một tuyến đường bộ quan trọng đến và đi từ Ấn Độ Dương.
Hơn hết với Bắc Kinh là việc đảm bảo rằng Afghanistan không trở thành nguồn gốc cho chủ nghĩa cực đoan tràn qua biên giới Trung Quốc. Tại cuộc hội đàm ngày 28/7 vừa qua với Ngoại trưởng Vương Nghị, trưởng đoàn đàm phán Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar đã cam kết rằng "Taliban sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để thực hiện các hành vi gây bất lợi cho Trung Quốc" - một tuyên bố của Bắc Kinh cho biết.
"Thái độ của Trung Quốc đối với chế độ do Taliban lãnh đạo sẽ phụ thuộc vào các chính sách của họ, chẳng hạn như việc Taliban có thực hiện lời hứa của mình và không trở thành điểm nóng cho các thế lực cực đoan có liên hệ với Trung Quốc hay không", Fan Hongda - Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Đông phương, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải - nhận định với Bloomberg.
Trong khi chuyên gia Yun Sun cho rằng Afghanistan có thể trở thành thử thách lớn nhất đối với mô hình ngoại giao Trung Quốc - được thúc đẩy bởi các khoản vay, hàng hóa và cơ sở hạ tầng thay vì đòi hỏi các chính sách tự do.
"Nếu Taliban theo đuổi các chính sách ôn hòa đối với phụ nữ, không xa lánh các quốc gia khác và đạt được sự ổn định chính trị, thì Bắc Kinh có thể xem xét một loạt các khoản đầu tư tương tự như những gì họ đã làm ở Pakistan", bà Sun dự đoán, "Cách tiếp cận của Trung Quốc là cung cấp việc làm... Nếu mọi người đi làm lúc 9 giờ sáng và về nhà lúc 6 giờ chiều, họ sẽ không có thời gian để nghĩ về khủng bố"

Taliban nói được Nga, Trung "ủng hộ về chính trị"
Dân trí

 Nhóm vũ trang Taliban cho biết, họ nhận được sự "ủng hộ về mặt chính trị" từ Nga và Trung Quốc trong bối cảnh nhóm này hiện đã lên nắm quyền ở Afghanistan.

Taliban nói được Nga, Trung ủng hộ về chính trị - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Taliban tuần tra trên đường phố Kabul ngày 16/8 (Ảnh: Reuters).

Newsweek đưa tin, phát ngôn viên truyền thông của Taliban Suhail Shaheen ngày 17/8 cho hay, nhóm này đang nhận được sự "ủng hộ về chính trị từ Nga và Trung Quốc", 2 nước đang thừa nhận Taliban là "lực lượng quân sự và chính trị lớn".

"Chúng tôi đang nhận được sự ủng hộ chính trị. Chúng tôi đã tới thăm Trung Quốc và Nga. Quý vị có thể xem các bài báo. Họ nói rằng Taliban là một lực lượng chính trị và quân sự lớn ở Afghanistan. Đó là thực tế. Và họ cũng ủng hộ chúng tôi. Đó là những gì chúng tôi nhận được", quan chức Shaheen cho biết.

Đại diện của Taliban nói rằng, họ chưa nhận được bất cứ sự ủng hộ tài chính nào từ Pakistan, Nga và Trung Quốc, nhưng "có mối quan hệ tốt với các nước này".

Quan chức Shaheen nhấn mạnh rằng, Taliban đang giữ lời hứa không tấn công lực lượng Mỹ vốn đang rút ra khỏi Afghanistan và cho biết Washington nên rút hết toàn bộ quân. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/8 cảnh báo, Washington sẽ có biện pháp đáp trả "nhanh và mạnh mẽ" nếu như Taliban gây hại tới công dân Mỹ.

Phía Taliban cũng bình luận về khung cảnh hỗn loạn ở sân bay Kabul vào ngày 16/8 khi hàng nghìn người Afghanistan phá hàng rào, tràn lên đường băng, trèo lên máy bay với hy vọng có thể rời khỏi đất nước khi Taliban lên nắm quyền.

"Vì lực lượng của chúng tôi không ở đó (vào thời điểm xảy ra hỗn loạn ở sân bay), chúng tôi không có trách nhiệm với việc này. Mỹ là bên có trách nhiệm. Đó là máy bay của họ, không phải của chúng tôi. Tất cả máy bay đó thuộc về họ, không phải chúng tôi", ông Shaheen nói, nhấn mạnh Taliban hiện đã đảm nhận việc đảm bảo an ninh ở sân bay và khu vực này hiện đang trở nên "có trật tự".

Taliban cũng cam kết bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ, bao gồm quyền được đi học, đi làm và tự do ngôn luận. Tuy nhiên, ông Shaheen nói thêm rằng việc sử dụng khăn trùm đầu là quy tắc Hồi giáo dành cho phụ nữ và điều này là bắt buộc.

Ông Shaheen cũng nhấn mạnh, người dân Afghanistan cần sự hỗ trợ về kinh tế để thoát đói nghèo, và kêu gọi sự ủng hộ từ quốc tế. Ông khẳng định người Afghanistan muốn một "chương mới hòa bình, cùng tồn tại một cách hòa bình và tái thiết đất nước".

Đức Hoàng

Theo Newsweek





Tuyên bố đáng chú ý của Trung Quốc, Nga, Pakistan về Afghanistan

(NLĐO) – Các cường quốc trong khu vực sẽ gia tăng ảnh hưởng đáng kể ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia này và phong trào Taliban trở lại nắm quyền sau 20 năm.

Giới chuyên gia khẳng định Nga, Pakistan và Trung Quốc đã phát tín hiệu sẵn sàng tương tác với giới chức Taliban. Tuy nhiên, sự trở lại của Taliban cũng làm dấy lên nỗi lo ở các quốc gia này rằng Afghanistan một lần nữa có thể trở thành nơi ẩn náu cho các tổ chức khủng bố nước ngoài.

Tại Pakistan, quốc gia từ lâu bị cáo buộc hỗ trợ Taliban, Thủ tướng Imran Khan khẳng định phong trào này đã "phá vỡ xiềng xích nô lệ tinh thần ở Afghanistan".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng phát triển các mối quan hệ hữu nghị, thiện lành và hợp tác với Afghanistan. Vị này cũng lưu ý rằng Taliban đã cam kết về việc không để Afghanistan trở thành nơi tiến hành "các hành vi bất lợi cho Trung Quốc".

Đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Afghanistan, ông Zamir Kabulov, hôm 16-8 nhấn mạnh so với "chính quyền bù nhìn ở Kabul", Taliban dễ dàng để đạt được các thỏa thuận hơn rất nhiều.

Trung Quốc, Nga, Pakistan dự tính gì ở Afghanistan? - Ảnh 1.

Ông Zamir Kabulov trò chuyện với những người đại diện cho Taliban, trong đó có thủ lĩnh Abdul Ghani Baradar, hồi 2019. Ảnh: AP

Theobáo Trung Quốc, Nga, Pakistan dự tính gì ở Afghanistan? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tiếp đón thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar tại Trung Quốc vào tháng rồi. Ảnh: Reuters

Vào lúc rất nhiều nước phương Tây lo ngại trước việc Taliban trở lại cầm quyền tại Afghanistan, Trung Quốc là một trong những nước công khai ủng hộ lực lượng Hồi Giáo cực đoan, ngay cả trước khi phe này chiếm được thủ đô Kabul hôm 15/08/2021. Đối với giới phân tích, Bắc Kinh đã biết lợi dụng thời cơ để tăng cường ảnh hưởng đối với một nước có thể mang lại cho Trung Quốc rất nhiều lợi ích an ninh và kinh tế.

Một trong những hành động cụ thể đầu tiên mà Bắc Kinh thể hiện nhằm chiêu dụ Taliban là cho thấy thái độ sẵn sàng làm chỗ dựa cho phe này tại Liên Hiệp Quốc.

Theo nhật báo Pháp Sud-Ouest (ngày 16/08), tại phiên họp bất thường của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 16/08 để thảo luận về Afghanistan, một hôm sau ngày thủ đô Kabul thất thủ, Trung Quốc và Nga đã ngăn chặn mọi đề nghị lên án lực lượng Taliban.

Hậu thuẫn về mặt ngoại giao cho những chủ nhân mới tại Kabul, vốn đang rất cần đến sự công nhận của quốc tế, là một con chủ bài mà Trung Quốc có trong tay để lấy lòng phe Taliban. Theo các nhà ngoại giao, Bắc Kinh sẵn sàng chính thức công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể vận động tại Liên Hiệp Quốc để tìm cách chấm dứt việc xem Taliban là một tổ chức “khủng bố”, mặc dù để đạt được điều này, Bắc Kinh phải có sự hợp tác của Hoa Kỳ và do đó được coi là một mục tiêu dài hạn hơn. 

Bên cạnh ngoại giao là lá bài kinh tế. Nhật báo Anh Financial Times (18/08), trích dẫn một số nhà ngoại giao cấp cao châu Á xin giấu tên, cho biết là Bắc Kinh sẵn sàng chi hàng trăm triệu đô la để tài trợ cho việc tái thiết các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Afghanistan. Các chuyên gia Trung Quốc cho biết các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án khai thác tài nguyên có thể được bơm vào nước này ngay sau khi trật tự trong nền kinh tế Afghanistan được khôi phục.

Đối với một nước thuộc diện nghèo nhất thế giới, đầu tư Trung Quốc chắc chắn là  điều mà giới lãnh đạo Taliban không thể bỏ qua, nhất là khi Trung Quốc có vẻ như không quan tâm đến những vấn đề như tự do, dân chủ, nhân quyền mà phương Tây thường hay nêu bật.

Dĩ nhiên là khi sẵn sàng giúp đỡ Taliban, Trung Quốc cũng nhắm vào những lợi ích riêng của mình.

Trước hết là trong lãnh vực kinh tế. Trả lời nhật báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 18/08, Marc Julienne, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, cho biết Bắc Kinh đang nhòm ngó trữ lượng đất hiếm đáng kể tại Afghanistan, rất cần cho ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc. Trong lòng đất của nước này còn có rất nhiều quặng lithium, một kim loại cần thiết cho pin.

Ngoài ra, Afghanistan còn chiếm một vị trí địa lý quan trọng trên những con đường tơ lụa mới mà Bắc Kinh đang xây dựng, đặc biệt Hành Lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan. Đó là chưa kể đến thị trường tái thiết Afghanistan mà một "đại gia" trong lãnh vực xây dựng như Trung Quốc rất quan tâm.

Vấn đề an ninh cũng rất quan trọng, nhất là khủng bố Hồi Giáo xuất phát từ thực tế đàn áp Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ngay từ tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã trải thảm đỏ đón một phái đoàn cấp cao của Taliban do chính ông Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu Bộ Chính trị Taliban, dẫn đầu.

Tại cuộc họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, nhân vật lãnh đạo cao cấp của Taliban đã hứa là sẽ không để cho Afghanistan trở thành hang ổ cho các lực lượng khủng bố đe dọa Trung Quốc.

Kabul thất thủ và lợi ích của Mỹ-Nga-Trung Quốc

(PLO)- Kabul về tay Taliban, Mỹ-Nga-TQ nhanh chóng liên lạc cùng cam kết hợp tác ngoại giao vì tương lai Afghanistan, song chưa biết mức độ hợp tác sẽ tới đâu khi mỗi nước đều có những lợi ích riêng ở Afghanistan.

Ngày 15-8, Taliban đã phát đi tuyên bố chiến thắng, kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan. Những nhà ngoại giao của các nước lớn đã ngay lập tức đối thoại với nhau nhằm giúp tìm ra giải pháp cho tương lai của Afghanistan.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị đã có các cuộc điện đàm song phương với nhau. Cả ba cam kết đảm bảo liên lạc và hợp tác quốc tế để hỗ trợ Afghanistan xây dựng một chính quyền mới với sự tham gia của đầy đủ các lực lượng chính trị ở nước này. Tuy nhiên, chưa biết mức độ hợp tác cụ thể sẽ tới đâu khi vẫn còn đó những khác biệt về lợi ích giữa Mỹ, TQ và Nga liên quan đến tương lai của Afghanistan.

Mỹ: Giảm thiểu các mối đe doạ từ Taliban

Tờ Politico tổng hợp ý kiến từ nhiều cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nhận định rằng Washington cần duy trì quan hệ với các đồng minh và đối tác, xây dựng một chính sách chống khủng bố chung để gửi thông điệp rõ ràng tới Taliban - lực lượng vẫn bị Washington và Liên Hợp Quốc coi là khủng bố. Mỹ cũng nên tham gia các nỗ lực ngoại giao, ngay cả với TQ và Nga, để giảm thiểu các mối đe dọa an ninh phát sinh từ Afghanistan. 

Kabul thất thủ và lợi ích của Mỹ-Nga-Trung Quốc - ảnh 1
Một trực thăng CH-47 Chinook sơ tán nhân viên ngoại giao Mỹ khỏi ĐSQ ở Kabul (Afghanistan) hôm 15-8. Ảnh: AP

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong hai ngày 15-8 và 16-8, Ngoại trưởng Blinken đã điện đàm với hàng loạt lãnh đạo ngành ngoại giao của TQ, Nga, các đồng minh và đối tác ở châu Âu, Trung Đông, Nam Á… Trong các cuộc gọi này, ông Blinken đều nhắc tới vấn đề Afghanistan - nhất là kế hoạch di tản công dân Mỹ và những người Afghanistan “dễ bị tổn thương” khỏi Kabul.

Bà Lisa Curtis, cố vấn về Trung và Nam Á trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (2017-2021), cho rằng chiến dịch di tản là ưu tiên trước mắt của Mỹ. Washington đã đưa một lượng lớn nhân viên Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ tại Kabul về nước và để lại một phần nhân lực hỗ trợ công tác di tản trong thời gian tới. Phía Mỹ cam kết sẽ đưa “nhiều nhất có thể” những người Afghanistan thuộc diện di tản tới Mỹ hoặc một nước thứ ba.

Bà Curtis cũng cho rằng Mỹ nên ra điều kiện để Taliban được công nhận là lãnh đạo hợp pháp tại Afghanistan. Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhiều lần nhắc lại yêu cầu Taliban không được trả thù những người từng làm việc cho chính quyền Afghanistan đã sụp đổ, bảo đảm nhân quyền - nhất là quyền của phụ nữ và trẻ em gái - và đoạn tuyệt và không dung dưỡng chủ nghĩa khủng bố. Còn bà Laurel Miller, cựu quyền Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan và Pakistan (2013-2017), cho rằng chính quyền Washington nên giữ quan điểm “trung lập” và chờ xem cách hành xử của Taliban.

Nga: Củng cố, mở rộng vị thế

Ông Paul Goble, chuyên gia về các nước từng thuộc Liên Xô, cho rằng tất cả các nước trong khu vực - kể cả Nga và TQ - đều nhận thấy cần gác lại một số xung đột truyền thống, tập trung giải quyết thách thức an ninh chung do biến động ở Afghanistan gây ra.

Tương tự Mỹ, Nga coi chống khủng bố là nền tảng trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, Moscow đã đối thoại với Taliban dù vẫn coi đây là tổ chức khủng bố. Trong năm nay, các phái đoàn Taliban đã hai lần tới Moscow. Điện Kremlin được cam kết rằng một chiến thắng của Taliban sẽ không đe dọa Nga hay các đồng minh của Moscow ở Trung Á.

Ít nhất cho tới hiện tại, Taliban đã giữ được lời hứa này. Nga là một trong số ít các nước còn duy trì ĐSQ tại Kabul và không phải di tản nhân viên ngoại giao. Ông Zamir Kabulov, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan, đã nhắc tới khả năng Moscow công nhận chính quyền của Taliban, nói điều này sẽ phụ thuộc vào “hành vi của chính quyền mới. Ngoài ra, Nga đã nâng cấp các căn cứ quân sự của nước này tại Trung Á, tổ chức tập trận với các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO). Tuy nhiên, quy mô của CSTO còn hạn chế, ít nhất là không bao gồm Turkmenistan - quốc gia mà TS Stanislav Pritchin thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho là có đoạn đường biên “yếu nhất” trên biên giới Afghanistan. TS Fabio Indeo thuộc Quỹ Đại học Phòng vệ NATO (Ý) cũng chia sẻ quan điểm tương tự về biên giới Afghanistan-Turkmenistan.

Truyền thông Nga nêu ra ý tưởng mở rộng CSTO - bằng cách thuyết phục cả Turkmenistan lẫn thành viên cũ là Uzbekistan - và tăng cường bảo vệ Trung Á qua khuôn khổ này. Tuy nhiên, trở ngại với Moscow là chính sách “trung lập vĩnh viễn” mà Turkmenistan đã theo đuổi từ những năm 1990 tới nay.

Trung Quốc: Không để Tân Cương chao đảo

Chuyên gia Andrew Small, thành viên tổ chức nghiên cứu Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại, cho rằng một trong những ưu tiên của TQ trong quan hệ với Taliban sẽ liên quan tới các tay súng ly khai ở khu tự trị Tân Cương. Khi đối thoại với Taliban hay trong các nỗ lực ngoại giao sau khi Taliban chiến thắng, TQ cũng luôn nhắc tới Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - tổ chức hoạt động chủ yếu ở Afghanistan, đòi Tân Cương tách khỏi TQ. 

Kabul thất thủ và lợi ích của Mỹ-Nga-Trung Quốc - ảnh 2
Ngoại trưởng TQ Vương Nghị gặp ông Mullah Abdul Ghani Baradar, một trong những lãnh đạo cao cấp của Taliban hôm 28-7. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Tạp chí The Diplomat cho rằng dù Taliban thực sự đoạn tuyệt với ETIM - điều mà giới phân tích cho là ít có khả năng xảy ra - thì chiến thắng của Taliban cũng có thể trở thành nguồn cảm hứng cho các lực lượng nổi dậy, ly khai Hồi giáo ở TQ. Ông Phan lưu ý rằng TQ đã bắt đầu hợp tác chống khủng bố với các nước trong khu vực để ngăn chặn nguy cơ bất ổn từ Afghanistan.

Hôm 16-8, TQ hoan nghênh lời cam kết của Taliban về việc không cho phép lực lượng nào lợi dụng Afghanistan để gây rối TQ và hy vọng Bắc Kinh tham gia nhiều hơn vào “tiến trình hòa bình và hỏa giải”, “tái thiết và phát triển kinh tế” ở Afghanistan thời hậu chiến. Tuy nhiên, TQ sẽ không một mình gánh hết trách nhiệm hỗ trợ tái thiết Afghanistan. Chuyên gia Phan Quang thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Thượng Hải (TQ) nêu rõ rằng dù đã “bỏ chạy” khỏi Afghanistan, Mỹ cần “có trách nhiệm xây dựng lại đất nước và cung cấp hỗ trợ” cho Afghanistan.

Chuyên gia Raffaello Pantucci thuộc trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho rằng TQ sẽ không vội vàng thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước thâm nhập vào thị trường Afghanistan do lo ngại những bất ổn mới ở đây. Trong tương lai, có vẻ Bắc Kinh nhận thức rằng Afghanistan là một môi trường có rủi ro rất cao và không có ý định sa lầy ở đây, theo tờ The Guardian.

TQ cần nhìn thấy một Afghanistan ổn định trước khi có các quyết định kinh tế lớn. Sự ổn định của Afghanistan còn ảnh hưởng tới nhiều lợi ích kinh tế khác của Bắc Kinh, là chìa khóa để bảo vệ các dự án cơ sở hạ tầng của TQ ở Pakistan - láng giềng phía nam của Afghanistan, có quan hệ sâu sắc với Taliban và là đồng minh của TQ.

Hiện nay - tại Afghanistan, Taliban đang liên hệ với các quan chức của chính quyền Kabul còn ở trong nước để đàm phán xây dựng chính quyền mới. Mỹ, Nga, TQ, cũng như các nước lớn khác, chắc chắn sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến mới ở Afghanistan để có những bước đi phù hợp bảo đảm lợi ích của từng nước. 

HOÀN ĐỨC



URL của bản tin này::http://www.vietnamville.ca/article.8198

© Vietnamville contact: admin@vietnamville.ca