Một đất nước mênh mông với diện tích lớn thứ hai trên thế giới (9.970.610km2) nhưng dân số chỉ có 32,3 triệu người. Một đất nước hợp chủng các dân tộc với 28% người gốc Anh, 23% người gốc Pháp, 15% từ các nước châu Âu khác, 26% người lai và chỉ có 2% là người châu Á, trong đó phần lớn là người Hoa. Vì vậy người Việt Nam chỉ là một nhúm nhỏ xíu giữa mênh mông đất trời… | Đầu tháng 5, cây cối vẫn trơ cành... |
Chọn thời điểm tháng 5 để đến Canada vì tôi muốn tìm hương vị mùa xuân ở Bắc Mỹ, dù biết đó không phải là mùa đẹp nhất trong năm, dù biết niềm tự hào lớn nhất của Canada là chiếc lá phong đỏ thắm và rừng thu bạt ngàn lá đỏ… Có đứng giữa rừng phong thu Bắc Mỹ mới cảm hết cái vẻ đẹp đến lặng người của thiên nhiên nơi đây. Nhưng chính cái màu đỏ tươi nóng rực cả bầu trời ấy lại là sự báo trước của tàn phai. Mùa thu ửng chín và những chiếc lá đỏ bay lượn lìa cành, để trong phút chốc chỉ còn lại những thân cây trơ trụi giữa trời. Rồi mùa đông trở về mang những cánh hoa tuyết mỏng manh phủ trắng cả bầu trời, phủ trắng cả rừng cây… Thiên nhiên Bắc Mỹ với bốn mùa rõ rệt, bốn sắc màu nóng-lạnh đến và đi lặng lẽ bằng một quy luật vĩnh hằng… Đầu tháng 5, Montreal đã vào xuân, nhưng cây cối vẫn trơ cành, những cành cây xương xương như những nét kiếm sắc cạnh màu nâu đen in bóng dưới bầu trời xanh thẳm. Một nét đẹp hoang dại và buồn lặng. Nhưng đâu đó trong hơi thở của đất trời, người ta vẫn cảm nhận được dòng nhựa sống đang chảy ào ạt trong những chiếc chồi non nhỏ xíu chỉ chực bung ra từ cành cây xương xẩu ấy. Mùa xuân đang từng bước đến gần, và làm sao mà không cảm thấy phấn khích khi được nhìn ngắm hàng ngày bước chân nhè nhẹ của mùa xuân trong từng mầm sống đang vươn dậy ấy. Như một phép lạ, chỉ một tuần sau, thành phố Montreal như được phủ lên một màu xanh non óng ả, màu xanh của sức sống đang kiêu hãnh trỗi dậy dưới bầu trời trong vắt. Và đó là giờ khắc giao hòa của thiên nhiên, màu sắc như được vỡ oà trong rừng hoa tulip, thủy tiên, ly ly… Mùa đông, đất phủ trắng tuyết, hoa tàn rụi, nhưng rễ vẫn bám sâu vào đất và chờ đợi mùa xuân về, để cùng đồng loạt khoe sắc. Đó là sự phục sinh kỳ diệu mà cây cỏ vùng nhiệt đới không có được. Và đây cũng là mùa trồng trọt của mọi người, là mùa mà các siêu thị cây–hoa tấp nập người mua bán. | Giữa tháng 5, màu sắc vỡ òa trong rừng hoa Tulip... |
Ở Montreal, cộng đồng người Việt hầu hết sống ở khu Côte-des-Neiges cũng như khu D’Orchester ở Boston, khu Eden ở Virginia, khu Little Saigon ở California (Mỹ)… Thực ra, không phải là ta có thể tự lập ra một khu ở riêng cho mình mà đó chỉ là tự phát từ ý thức kỳ thị của người bản xứ. Khi một khu phố có đông người châu Á, tự khắc họ sẽ chuyển đi sống nơi khác, và cứ thế nhóm người Việt cứ đông dần và tạo thành một khu vực riêng của mình với các siêu thị và nhiều cửa hiệu bán đủ thứ thức ăn của người Việt như phở, bánh cuốn, nem nướng, chả giò… Vì thế, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như có rất nhiều người Việt sống ở nước ngoài lâu năm nhưng không nói được tiếng Anh, tiếng Pháp… Lý do dễ hiểu là vì đời sống của họ chỉ khoanh gọn trong khu phố mình ở, mua bán, tiếp xúc toàn người Việt, khi cần đi đến chính quyền làm giấy tờ thì đã có dịch vụ lo giúp. Có thể nói niềm vui của hầu hết các gia đình trong cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài là trồng cây, mỗi nhà đều có một mảnh vườn ở phía sau nhà, và đó là nơi người ta bỏ hết cả tâm sức để tạo dựng cho mình một mảnh vườn đẹp, có nhiều cây hoa quý lạ. Đi đến đâu thì chủ đề chính của câu chuyện vẫn là cây và hoa, và người ta sẵn sàng trao đổi với nhau, chuyển cho nhau những giống cây mình có với niềm tự hào rất bình dị. Nhưng niềm tự hào lớn nhất vẫn là những giống cây mang từ quê nhà sang mà vẫn tươi tốt. Bởi làm được điều đó là cả một công trình mà không phải ai cũng chịu khó chăm chút. Bạn tôi ở Montreal là một trong những người hiếm hoi ấy. Nhà cô có đủ các loại rau trái mang từ bên nhà sang, từ cây ổi, cây khế, cây gấc, cây dạ lý hương đến các loại rau đắng, rau mò om, rau quế, rau tía tô… Thời tiết Canada chỉ có 3 tháng cho phép các loại cây trên được ra ngoài trời, 9 tháng còn lại chủ nhân lại phải “ẫm” nó vào nhà đặt bên khung cửa kiếng để ngóng ánh mặt trời… Sống khổ như vậy nhưng cây vẫn có hoa có trái, những trái ổi, trái khế nhỏ xíu treo lủng lẳng trong phòng khách chính là niềm tự hào vô tận của chủ nhân. Ổi vừa chua vừa chát, muốn có thì ở siêu thị Việt Nam đâu thiếu, vậy mà ở đây nó giống như một kỳ quan…
Nhưng sự ngạc nhiên ấy trong tôi đã dần dần có lời đáp, một lời đáp rất rõ từ trong những trái tim cô đơn nơi đất khách. Một tháng xa quê hương, tôi chưa đủ cảm xúc để có nỗi nhớ da diết như những người bạn quanh tôi, nhưng cũng giúp tôi thấm hiểu vì sao cọng rau đắng đèo đọt mình tự tay trồng bỏ vào nồi cháo ngon đến nao lòng; vì sao trái ổi chát ngắt, trái khế chua lè lại làm cho người ta rơi nước mắt… Đời sống ở đây có thiếu gì đâu, bạn tôi, người nào cũng có nhà đẹp, xe tốt, con cái học hành ngoan ngoãn, cuộc sống như vậy sao có thể gọi là không toàn vẹn? Nhưng dù không ai nói ra tôi vẫn cảm nhận được trong sâu kín trái tim mỗi người cái khoảng trống hun hút của một nỗi nhớ khó thể xóa nhoà. Ở đây, mỗi người một khoảng trời riêng, ai cũng tất bật với mối lo toan bởi những món nợ phải trả có khi suốt cả đời. Một nhúm người Việt nhỏ xíu trong một đất nước bao la đâu là cái gì, cho nên sự co cụm trong các khu phố chỉ nói tiếng Việt đó là điều tất yếu. Những sinh hoạt vui chơi giải trí ngoài xã hội của đất nước sở tại dường như xa lắc, người Việt vẫn có quán cà phê nhạc cho mình để lui tới, trước kia nghe nhạc chỉ biết “Thúy Nga by night”, nhưng bây giờ các cửa hàng băng đĩa đã tràn ngập hình ảnh các ca sĩ trong nước...
Và tôi hiểu hết tình cảm nồng ấm của những người bạn rất lâu không gặp, cả những người bạn mới lần đầu gặp mặt. Bởi chút nắng của quê hương từ Việt Nam đã làm bùng dậy nỗi thao thức từ lâu đang ủ kín trong những trái tim xa nhà. Nên trong những cuộc vui, chủ đề chính bao giờ cũng là những món hàng rong với hương vị quê nhà như tràn về trong từng ánh mắt lấp loáng. Những cái bánh căn miền Trung bốc khói, trái bắp nướng có phết mỡ hành, củ khoai lang nướng thơm lừng, chén chè đậu xanh nước dừa lảnh lót tiếng rao… Nhớ, nhớ, ôi những nỗi nhớ không nói thành lời mà như một tiếng thở dài… Tiếng thở dài của người vừa mua căn nhà hơn 400.000 đôla Canada, thành quả của gần 20 năm còng lưng với nghề may công nghiệp… Anh nói anh không muốn nhắc lại những ngày tháng đi Thanh niên xung phong cùng một số bạn bè đang rất nổi tiếng ở quê nhà, nhưng cứ gặp tôi là anh lại nhắc những tháng ngày tươi xanh ngày ấy với ánh mắt buồn...
Bất giác tôi nhớ những câu thơ cháy lòng của nhà thơ Thu Lâm, người xa nước gần 40 năm: “Có thể nghĩ về quê hương, không có ta trong đó. Nhưng không thể nào trong ta, không có mặt quê hương” (Loài chim di trú). NGÔ NGỌC NGŨ LONG |